• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Lời Pháp Đầu Năm: Lộc Xuân

Jan 22 2016
LacPhap.com LacPhap.com Mừng Xuân Bính Thân

Lại một mùa Xuân đến
Lòng rộn rã hân hoan
Đón chào Xuân tươi thắm
Đến với cả muôn loài
Mùa Xuân hoa lá nở
Cây đâm chồi nảy lộc
Tạo sức sống cho mình
Xuân tràn ngập lòng người
Xuân mang niềm hy vọng
Phá tung mọi xiềng xích
Của nghiệp chướng sâu dày
Ánh Đạo ngời sáng chói
Giúp mùa Xuân trong lòng
Luôn rực rỡ thêm lên
Trí huệ càng gia tăng
Do từng bước tu tập
Ngọn đuốc sáng trong Tâm
Đốt tan mọi phiền não
Thoát được vòng nghiệp chướng
Sống cuộc đời An Nhiên.

Download PDF - 45Mb

 

Trong cái lạnh lẽo của mùa Đông sắp sửa tàn, vẫn âm ỷ một sức sống đang háo hức để bùng lên. Cỏ cây, hoa lá rộn ràng chuẩn bị gom nhựa sống để đâm chồi nảy lộc, để thi đua khoe sắc thắm đón chào mùa Xuân đến.

Cái bắt đầu của một năm mới hàm chứa biết bao niềm hy vọng: hy vọng hoàn tất mọi dự tính, hy vọng một sự thăng tiến, hy vọng một hoàn cảnh tốt đẹp hơn, hy vọng một tương lai rực rỡ hơn, hy vọng sự thành công sẽ mỹ mãn hơn, hy vọng sẽ tìm lại được những gì đã đánh mất v.v…

Tóm lại, Xuân là biểu tượng cho cái bắt đầu, Xuân mang niềm hy vọng, Xuân ấp ủ nhựa sống, tiết Xuân ôn hòa khiến lòng người phơ phới, hỉ hạ, vị tha hơn.

Ngọn gió Xuân thổi qua, cây lá như tăng thêm sức sống, đâm chồi nảy lộc, đâu đâu cũng một màu xanh biếc, mơn mởn và khoe sắc thắm.

Xuân trong lòng người, Xuân tỏa rộng trong khắp cùng vạn vật, chim cất cao giọng hót ca ngợi mùa Xuân, hoa nở rộ chào đón mùa Xuân; Xuân đến với mỗi cá nhân, Xuân đến với trẻ thơ, Xuân đến với người luống tuổi, Xuân đến với người tràn đầy nhựa sống, Xuân đến với người tật nguyền, bệnh hoạn.

Vũ trụ đã ban phát cho chúng sanh mùa Xuân, xem như là một trạm nghỉ chân sau một năm dài chịu đựng, một năm dài mỏi mệt, một năm dài nhiều phấn đấu.

Mỗi chúng sanh tiếp nhận mùa Xuân một cách khác nhau, tùy theo những cảm giác, những cảnh huống mà chúng sanh đó đã đối diện trong suốt một năm qua.

Ước gì mùa Xuân sẽ mãi mãi, sẽ không quay lưng, sẽ không thản nhiên trước những gương mặt tiu nghỉu của chúng sanh mỗi khi Xuân cất bước ra đi!

Làm sao để giữ mãi mùa Xuân luôn ngự trị trong lòng của mỗi người, luôn hiện diện khắp cùng vạn vật?

Mỗi chúng sanh đến với Cõi Đời này đều mang đầy ắp nghiệp chướng theo mình, nghiệp chướng kết nối thành sợi dài quấn chặt quanh mình, không tìm được nút tháo gỡ. Cái dây nghiệp chướng hình như chưa đủ nặng, chưa đủ sức làm vướng bận bước chân, chúng sanh lại cố làm cho nó nặng nề hơn ở hiện kiếp. Rồi tới một lúc nào đó, chúng sanh bị quấn chặt đến nghẹt thở, không sao vùng vẫy được, không còn nhìn thấy được cảnh trời rộng bao la, không còn hít thở được không khí trong lành, chúng sanh lại cất tiếng rên rỉ, cất tiếng cầu xin sự giúp đỡ của các Đấng Từ Bi, chúng sanh ao ước, chúng sanh mong mỏi một sự nới lỏng của sợi dây Nghiệp Lực.

Chúng sanh trông chờ mùa Xuân vì tự cho rằng đó chính là khoảng thời gian mà sợi dây Nghiệp Lực được nới lỏng để chúng sanh có cơ hội trút bỏ chút ít cái gánh nặng Nghiệp Lực, tìm lại cái không khí trong lành, tươi mát mà mình đã từng hít thở, và nhìn lại khoảng trời rộng bao la với thảm cỏ xanh rì, với muôn hoa khoe sắc thắm.

Nghiệp chướng đến với từng chúng sanh dưới bất kỳ dạng thức nào, có khi cực kỳ hung hãn, có khi lại nhẹ nhàng, dịu ngọt. Nhưng … cái nhẹ nhàng này là sự êm ái của bàn tay sắt bọc nhung, và sự dịu ngọt kia lại là viên thuốc độc bọc đường.

Sự đối phó nào của chúng sanh cũng đều khiến cho máu lệ tuôn tràn.

Từng ngày qua, từng tháng qua là chuỗi dài đau khổ, sầu thương. Tiếng cười, tiếng rộn rã chỉ là một lớp sơn giả tạo, che dấu những vết thương lòng với hằn nỗi thương đau.

Chúng sanh sống với niềm hy vọng, sống với sự khắc khoải trông chờ một sự nhẹ nhàng đúng nghĩa cho thân xác lẫn tâm hồn.

Mùa Xuân đến, từ cây nhỏ chí đến cây to đều đâm chồi nảy lộc. Niềm hy vọng trong mỗi chúng sanh cũng lóe lên vào mỗi mùa Xuân để cầu mong một sự đổi thay mang điều tốt đẹp.

Những tư tưởng cao thượng cũng nhân dịp này được nảy sinh ra và lớn dần lên như những thân cây, đủ sức để chịu đựng sự bấu víu của chúng sanh.

Chúng sanh nào cũng mong mỏi một mùa Xuân, nhưng tiếc thay, cõi Ta Bà là nơi mà chúng sanh gặp gỡ nhau để ĐÒI và để TRẢ tất cả những gì mà cả đôi bên đều không đủ thì giờ, không đủ dịp, không đủ cơ hội để thanh toán cùng nhau, để trang trải những gút mắt, những cảnh huống, những khổ đau đã gây tạo cho nhau trong kiếp quá khứ.

Chúng sanh đến với Cõi Ta Bà không mang một niềm vui, không mang tiếng cười rộn rã, mà chỉ mang nước mắt! Do đó, chúng sanh rất trông chờ một cái gì thay đổi với nhiều tốt đẹp ở mùa Xuân.

Nếu chúng sanh nhận ra được sự sai lầm của mình trong tận cùng sâu xa của những khổ đau, của những cảnh huống, của những khó khăn mà mình phải đối diện mỗi ngày ở hiện kiếp, chúng sanh bắt buộc phải thay đổi tầm nhìn của mình, “phải sống thực tế” để thấy rằng mình hiện đang bị bao vây bởi quá nhiều nghiệp chướng.

Cái khó khăn là chúng sanh không nhận ra Nghiệp Chướng đến với mình, chỉ thuần nghĩ rằng những cảnh huống xảy ra là việc tất yếu ở Đời. Rồi thì bao nhiêu lý luận, bao nhiêu triết lý sống ở Đời được đặt ra: Mạnh được yếu thua * Được thì làm Vua, thua thì làm Giặc * Ăn miếng trả miếng * Lấy oán báo oán … Rốt cuộc lại, nghiệp chướng càng chất chồng, khổ đau càng cao ngất!

Khi đã bắt đầu kiệt sức, tàn hơi, không còn phương vùng vẫy nữa, lúc đó Phật Trời sẽ được réo gọi không ngừng nghỉ.

Để có thể dễ dàng nhận ra từng nghiệp chướng đến với mình, để có thể thoát được sức ép của Nghiệp Chướng, phương cách duy nhấtTU TẬP.

Không thể xem việc tu tập như là cây đũa thần chỉ trong một ngày, một bữa là có thể giúp cho một chúng sanh thoát ra được cái lưới nghiệp chướng đang bao bọc mình đến không còn kẽ hở.

Việc tu tập trước tiên giúp cho chúng sanh hiểu thấu đáo cái khổ từ đâu đến? Cảnh huống do đâu mà cứ quấn chặt lấy mình? Tại sao mình cứ mãi nước mắt tuôn rơi? Tại sao mình không thể có những tiếng cười rộn rã như người khác được?

Khi đã nhận ra được những nguyên nhân, việc kế tiếp là làm sao để giúp cho những nguyên nhân đó càng lúc càng nhẹ xuống.

Nên nhớ kỹ: chỉ có thể làm cho nó nhẹ bớt xuống chớ không thể nào biến mất được!

Chỉ cần nó bớt nặng nề, người bị nghiệp chướng quấn chặt cũng sẽ dễ thở hơn và có thể nhìn được màu xanh rì của cây lá chung quanh mình.

Sự tu tập sẽ lần hồi giúp chuyển đổi tình huống, chúng sanh đó sẽ lấy dần lại sự thoải mái qua việc sửa đổi toàn bộ TÂM – Ý – TÁNH của mình.

Cái vòng Nghiệp Lực tạo nên bởi Tâm – Ý – Tánh ngày xưa, trong quá khứ, chính mình đã chẳng nương tay, để cho nó va chạm vào vòng tròn nghiệp lực của hết người này tới người kia, cho nên, cái nguyên ủy chính yếu của sự khổ đau của ngày hôm nay chính là do mình tạo nên.

Mình đã không chùng tay khi làm đau kẻ khác, đã không xúc động trước sự ngã ngựa của một Con Người, đã hân hoan trước sự mất mát của đối phương, đã thản nhiên trước lời cầu khẩn, van xin của người cô thế... còn nữa, còn rất nhiều cảnh huống mà chính mình ngày xưa, trong quá khứ, đã từng chủ động để tạo nên.

Khi đã hiểu rõ được điều này rồi thì hãy nên chân thật xét kỹ lại Tâm của mình. Cách đối xử với “NGƯỜI” ở hiện kiếp phản ảnh rất rõ ràng cái Tâm của mình trong quá khứ.

Cái Ý của mình, ngày giờ này, ở kiếp hiện tại, đã phát triển trong chiều hướng ra sao? Cao thượng hay thấp kém? Làm lợi ích hay đem điều bất lợi đến cho kẻ khác?

Những gì mình làm, những gì mình nghĩ suy sẽ không khác bao nhiêu với cái Ý nảy sinh của mình trong kiếp quá khứ.

Cuối cùng, cái Tánh của mình đã “xách động” cái Tâm và cái Ý để tạo nên một nghiệp chướng như thế nào?

Cứ nhìn vào Tâm – Ý – Tánh của mình ngày hôm nay, ở hiện kiếp, tức khắc sẽ thấy rõ Tâm – Ý – Tánh của mình trong kiếp quá khứ; từ đó sẽ đưa đến một sự cảm thông về tất cả những khổ đau mà mình gặt hái ngày hôm nay.

Từng kiếp NGƯỜI đã trải qua, nếu không có một sự sửa đổi nào cả, chúng sanh sẽ mang toàn bộ Tâm – Ý – Tánh với những tính chất riêng biệt của chính mình làm hành trang, di chuyển từ kiếp này qua kiếp khác.

Vì vậy, một sự thể hiện Tâm – Ý – Tánh ở hiện kiếp sẽ phản ảnh gần như trung thực toàn bộ Tâm – Ý – Tánh thuộc kiếp quá khứ. Những nghiệp chướng mà chúng sanh đó gây tạo ở ngay hiện kiếp cũng gần như tương tự với những nghiệp chướng đã xảy ra trong kiếp quá khứ.

Cứ bổn cũ soạn lại, Nhân của quá khứ sẽ được gặt hái quả trái ở hiện tại.

Cũng chính cái Nhân đó được gieo lại ở hiện tại, sẽ cho ra quả lớn lần và chín mùi ở kiếp vị lai.

Nếu không tu tập, không có sự sửa đổi từ trong nguồn gốc, mọi việc sẽ không có gì thay đổi cả. Nghiệp chướng sẽ được thay thế bằng nghiệp chướng, khổ đau này sẽ thay thế khổ đau kia, giọt nước mắt này rớt xuống, tức khắc sẽ có giọt nước mắt khác tiếp nối. Tất cả sẽ triền miên, không bao giờ chấm dứt; đó chính là ý nghĩa sâu xa của vòng Sanh Tử, sẽ không có cái chấm dứt mà cũng không có cái bắt đầu, cứ liên tục và mãi mãi.

Sự thành tâm, thành ý sửa đổi Tâm – Ý – Tánh của mình ngày hôm nay sẽ giúp cho nghiệp chướng của ngày hôm qua bớt nặng nề hơn, và tạo cơ hội để cho mình chuyển được cảnh giới tốt đẹp hơn ở kiếp vị lai.

Tóm lại, trong việc tu tập, cần phải tư duy thật nhiều, thật sâu xa cái nguyên nhân gây tạo nên nghiệp chướng.

Khi đã thấu hiểu rồi thì phải đem tấc dạ chân thành để sửa đổi toàn bộ Tâm – Ý – Tánh của mình.

Sau cùng là một sự Chí Thành, đem hết Chân Tâm để sám hối, ăn năn; hãy để cho lòng mình nức nở trước những nghiệp chướng do chính mình gây tạo.

Được như vậy, từ từ cái lưới nghiệp chướng sẽ nới lỏng lần, mình sẽ cảm thấy dễ thở hơn, thoải mái hơn, và điều đáng nói hơn cả chính là mình đã tìm lại luồng gió Xuân êm ả, nhẹ nhàng thổi mát qua tâm hồn mình.

Cái sáng rực của mùa Xuân đã khơi dậy ngọn đèn trong Tâm từ bấy lâu nay kém phần tỏ rạng; những Ý tưởng cao đẹp cũng nhân đó mà sinh sôi nảy nở; bao nhiêu thói hư tật xấu, bao nhiêu cái Tánh thiếu chăm sóc, thiếu giùi mài, thật không khác những cành cây khô mục, một trận gió Xuân thổi qua, đủ sức để làm cho cành khô gãy đổ, nhường chỗ cho lộc non đâm chồi, mọc ra những cành cây mới xanh tươi, cứng rắn.

Mùa Xuân đến, cây đâm chồi nảy lộc để tìm một sức sống mới, để phát triển sức mạnh của cây, để tạo cho cây một hình dáng mới, đẹp đẻ hơn, vững chắc hơn.

Mùa Xuân đến giúp cho con người cải sửa lại tất cả những gì không tốt đẹp, không ích lợi, không cần thiết mà mình đã gìn giữ hay đã ấp ủ từ bấy lâu nay.

Mùa Xuân mang đến cho vạn vật một bộ mặt mới, tươi mát hơn, rực rỡ hơn, nhiều ý nghĩa hơn.

Xuân mang niềm hy vọng đến cho con người về một tương lai tốt đẹp và thành công.

Xuân mang niềm tha thiết đến cho người chân thành tu tập, mong cải thiện Tâm hồn mình để mãi mãi được ôm trọn Xuân trong lòng.

LacPhap.com xin hân hoan cùng với tất cả quý chư Thiện Hữu đón mừng Xuân Bính Thân. Kính chúc Quý Thiện Hữu:

Tâm Xuân luôn ngời sáng,
Ý Xuân luôn rực rỡ,
Đạo Xuân luôn vững bền.


+ 89