• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Tư Duy Về Dịch Bệnh

Dec 22 2020
229883428 229883428

Kính bạch Sư Phụ,

Kể từ khi dịch bệnh xảy ra, toàn thể dân chúng khắp nơi trên thế giới cảm thấy cuộc sống của mình không còn được an ổn như xưa nữa. Nỗi nơm nớp lo sợ mình sẽ bị vướng vào dịch bệnh, rồi thì không biết có điều trị được hay không? Sự lây lan mới thực sự là đáng sợ; mình bệnh, con mình bệnh, vợ hay chồng mình bệnh, cha mẹ, anh chị em, bà con dòng họ, những người thân yêu ... bỗng chốc ra đi vĩnh viễn vì dịch bệnh.

Cuộc sống bỗng trở nên khó khăn vì nền kinh tế bị giới hạn khiến cho mức thu nhập giảm đi. Sự phồn thịnh của các doanh nghiệp bỗng chốc bị sụt giảm đi rất nhiều; sự ồn ào, náo nhiệt trên đường phố không còn được như xưa. Đa số người dân mang tâm trạng hoang mang, hoảng hốt, lo sợ đến trầm cảm.

Câu hỏi con muốn đặt ra với Sư Phụ là, làm sao để giảm thiểu sự tác hại và sự lây lan của dịch bệnh để có thể mang trở lại nụ cười và niềm tin cho dân chúng về một cuộc sống an bình và ổn định?

Thầy đã có từng nói rằng, tất cả những sự vấp ngã trong cuộc đời, tất cả những gì khiến cho mình phải khựng lại, làm chậm đi bước tiến của mình, đều bắt buộc phải tư duy! Có tư duy, có suy nghĩ, có phân tích mới nhận ra được lỗi lầm, sai trái của mình, mới nghiệm ra được những sơ sót, những điều không đúng mà mình đã làm.

Dịch bệnh là một biến động rất lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, đến sanh mạng và luôn cả cuộc sống của rất nhiều người trong một vùng hay một quốc gia. Ngày hôm nay, dịch bệnh đến với toàn thể chúng sanh trên thế giới chớ không riêng ở một đất nước nào. Do đó, tư duy về dịch bệnh là một điều rất cần phải nên làm!

Đã gọi là dịch bệnh thì tầm ảnh hưởng không thu hẹp trong phạm vi cá nhân, mà sẽ trải rộng ra đến gia đình, ngoài xã hội và mang tầm vóc quốc gia hay quốc tế.

Đối đầu với dịch bệnh đương nhiên là phải cần đến sự hỗ trợ của y học rất là nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng vẫn phải đòi hỏi một sự đóng góp, tiếp tay của mọi người dân trong vấn đề giảm thiểu sự lây lan, phát tán của dịch bệnh.

Nơi đây, chúng ta cùng tư duy về những hoàn cảnh dễ dàng dẫn đến dịch bệnh.

Không khí tích tụ rất nhiều chất độc hại thải ra từ những doanh nghiệp lớn, có đủ loại, đủ hạng, đủ ngành, trang bị máy móc tối tân, đến những doanh nghiệp nhỏ với máy móc ít tối tân hơn, kể luôn cả những doanh nghiệp thuộc ngành ẩm thực, những nhà hàng tiệm ăn; cũng phải kể đến xe cộ đủ loại vừa của tư nhân, của các công ty, vừa thuộc về chuyên chở công cộng...Nói tóm lại, muốn cho một nền kinh tế tiến triển, dân chúng có được một cuộc sống ổn định, bắt buộc các doanh nghiệp phải hoạt động tích cực. Điều đó có nghĩa là, mọi người phải chấp nhận sự hiện diện của những chất độc hại trong không khí mà mình thường xuyên hít thở.

Tuy nhiên, điều mà người ta ít quan tâm đến chính là những chất độc hại thoát ra từ hơi thở, từ tất cả những “lỗ” trên cơ thể của mỗi người.

Thức ăn đưa vào cơ thể, sau khi tiêu hóa xong sẽ trở thành dạng KHÍ. Nếu là những thức ăn được lựa chọn và bổ dưỡng thì khí đó sẽ là khí tốt, luôn luôn hòa quyện, bao bọc nội tạng, làm cho các cơ quan lúc nào cũng tươi mát, khỏe mạnh.

Những thức ăn không được chọn lọc, ăn theo thị hiếu, ăn theo khẩu vị, những thức ăn từ thịt của động vật hoang dã có thể chứa nhiều loại vi khuẩn khác nhau, hoặc động vật bị nhiễm trùng từ những chất độc hại...những loại thức ăn này khi đã biến thành khí rồi thì khí đó chính là khí độc! Khí độc này chẳng những gây nguy hại cho nội tạng của chính cá nhân đó, mà còn truyền tải trong không khí qua hơi thở, hoặc toát ra ngoài qua những “lỗ” trên thân thể của người mang khí độc này.

Những người mắc bệnh truyền nhiễm, những người luyện tà đạo, sẽ không ngừng thải khí độc vào trong không khí.

Những nơi tụ tập đông người, nhất là trong một không gian kín, hơi thở của người này thở ra sẽ được người kế bên hít vào, cứ tuần tự như thế mà mọi người sẽ trao đổi cho nhau những mầm bệnh của riêng mình.

Cuộc sống mưu sinh hằng ngày bắt buộc mọi người phải tiếp cận với nhiều môi trường khác nhau, với đủ hạng người, với mọi thành phần, điều đó có nghĩa là mọi người phải chấp nhận sự hiện diện của nhiều loại vi khuẩn khác nhau trong cơ thể của những người chung quanh mình.

Khi mầm bệnh còn ở phía ngoài, chỉ lòng vòng chung quanh mình, vì thiếu điều kiện vệ sinh cá nhân cho nên mình đã không tránh được sự xâm nhập của mầm bệnh vào cơ thể.

Nay thì kẻ địch đang ở trong người của mình, vậy phải làm sao để chống chọi lại sự tấn công của địch, hay tối thiểu cũng là làm sao để cho địch giảm đi cường độ của sự hung hăng?

  1. Vệ sinh cá nhân là điều tối quan trọng, Thầy đã giải thích cặn kẽ trong bài Pháp “Trược Khí”, nơi đây Thầy chỉ tóm tắt để nhắc lại:
  • Sau thời gian làm việc chung đụng với nhiều người, trược khí bám trên quần áo, trên cơ thể, cần phải được tẩy sạch, do đó bắt buộc phải tắm gội thật sạch, bộ đồ thay ra phải được giặt sạch rồi mới mặc trở lại, cho dù đó là bộ đồ mới toanh chưa mặc lần nào.
  • Tuyệt đối không nên ngủ ở trên ghế trước truyền hình hoặc trên giường với bộ đồ mặc suốt ngày ở ngoài đường.
  • Nếu không thể nào đi tắm ngay được thì tối thiểu cũng phải thay bộ đồ ra để bỏ giặt, mặc vào bộ đồ sạch và kỳ cọ tay chân, mặt mũi cho thật sạch với xà bông trước khi bồng bế, ôm ấp con cháu mình, hoặc ngồi vào bàn ăn uống.
  • Cố gắng đi tắm rửa càng sớm càng tốt vì trược khí bám trên tóc, trên da thịt, chỉ cần qua một đêm ngủ mà không tắm rửa thì trược khí đó có đủ thì giờ để ngấm vào nội tạng của mình.
  • Nên uống thật nhiều nước lọc để giúp cho gan và thận thải bớt chất độc hại ra ngoài.
  1. Thường xuyên tập thể dục để giúp cho sức đề kháng của cơ thể lên cao, ngăn ngừa được sự phát tán của những vi khuẩn đã xâm nhập vào người. Những động tác làm đổ mồ hôi sẽ giúp cho lỗ chân lông nở rộng ra, đẩy trược khí ra ngoài dễ dàng.
  2. Nên chịu khó lựa chọn thức ăn, không cần phải đắt tiền, chỉ cần bỗ dưỡng, chay hay mặn gì cũng được, miễn là có đầy đủ rau củ quả hạt thích hợp cho cơ thể là tốt rồi.
  3. Dù là người trẻ hay người lớn tuổi, nếu thấy dấu hiệu bất bình thường ở một cơ quan nào đó của nội tạng, phải nên phản ứng kịp thời để chạy chữa, đừng để trở nên quá nặng sẽ gặp nhiều rắc rối về sau. Vi khuẩn mới manh nha tấn công sẽ dễ dàng đối phó hơn là về lâu về dài.
  4. Nên tạo thói quen thường xuyên rửa tay. Rửa tay là phải kỳ cọ tay với xà bông, rửa từng kẻ tay, và tối thiểu là rửa lên đến tận cổ tay. Gần như đa số người đời đều có thói quen đưa tay sờ lên mặt, lên mũi, lên tóc, lên miệng, lên mắt, và nhất là sửa kính mắt; mỗi khi bối rối thì hai tay sẽ không giữ yên. Với thói quen này thì chính mình là người đã đưa những con vi khuẩn vào trong người của mình bằng đôi bàn tay không sạch. Rửa tay không phải chỉ 1 hay 2 lần trong ngày là đủ. Mỗi khi cầm nắm cái gì đó, hoặc dùng tay để khiêng, đỡ, vác, hoặc làm bất cứ điều gì với đôi bàn tay của mình, đều phải nên chịu khó rửa tay lại, nhất là sau khi ra khỏi phòng vệ sinh. Trước khi đưa thức ăn vào miệng, phải chắc chắn rằng 2 bàn tay mình đã được rửa sạch.
  5. Một thói quen khác cũng tai hại không kém, đó là le lưỡi để dùng nước bọt dán bao thư, cũng như quẹt tay lên lưỡi để đếm tiền cho dễ dàng. Tất cả những thói quen này phải nên triệt để bài trừ vì chúng hoàn toàn thiếu vệ sinh và dễ dàng đưa đến bệnh tật mà không hiểu nguyên do từ đâu.

Hãy thử suy nghĩ điều này:

Trong cuộc sống, mỗi cá nhân đều liên đới với nhau qua dạng thức gia đình, hay xóm làng, và rộng hơn nữa là xã hội. Nếu mỗi cá nhân không biết giữ vệ sinh, thiếu sạch sẽ, rác rến từ trong nhà ra đến tận ngoài ngỏ lôi kéo ruồi nhặng, mùi hôi thối bốc lên, sống thiếu tổ chức, thiếu ngăn nắp, vô cùng bừa bãi, chắc chắn rằng gia đình, xóm làng, xã hội cũng sẽ được tạo dựng trên nền tảng thiếu vệ sinh đó. Người người sẽ sống rất ù lì, có khuynh hướng buông xuôi, bỏ mặc, ai làm gì cho mình thì làm, nếu không làm thì cứ ngồi đó mà chờ đợi.

Một thí dụ cụ thể cho dễ nhận thức: vì sống bừa bãi, thiếu vệ sinh, không sạch sẽ, thức ăn dư thừa không được gói ghém cẩn thận để vứt bỏ, loài chuột đánh hơi và tìm đến để lục lọi. Lúc đầu thì một vài con, sau đó thì cả đàn cả lũ kéo đến, lần lượt hết nhà này rồi tới nhà kia, cuối cùng thì cả nguyên một xóm phải đương đầu với chuột.

Nếu cuộc sống cứ tiếp tục trước sau như một, cả xóm không biết tổng vệ sinh, cải sửa lại cách sống của mình sao cho phù hợp với vệ sinh hơn, không biết lắp chận những hang lỗ chuột, phun thuốc diệt chuột, hay đặt bẫy chuột, mà cứ ù lì chờ chánh quyền tới để giải quyết, chắc chắn rằng không bao lâu những ổ chuột sẽ lan qua xóm kế bên, và càng ngày càng bành trướng rộng thêm ra.

Chuyện gì tới thì phải tới! Những con chuột bệnh có dịp cắn người, hoặc những con bọ chét từ trên người của những con chuột bay vào bám trên da thịt của con người hay trên thức ăn, thế là bệnh dịch hạch có dịp phát tán và lan tràn khắp nơi, không những một vùng mà nhiều vùng, rồi tới cả một nước!

Dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ từ ở những vùng mà dân chúng còn quá thờ ơ với điều kiện vệ sinh. Thoạt đầu chỉ một số rất ít người nhiễm một bệnh nào đó, nhưng vì quá lơ là trong vấn đề chăm sóc bệnh nhân, bỏ qua yếu tố vệ sinh cá nhân, vệ sinh đoàn thể, bao gồm cả việc đề phòng lây truyền sang người khác, cho nên việc lây nhiễm càng ngày càng bành trướng, chẳng mấy chốc trở thành dịch bệnh cho nguyên cả một vùng hay cho cả nước.

Con người càng ngày càng văn minh tiến bộ, khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng, ngành cơ khí lên cao, ngành sinh hóa học cũng vượt mức nhảy vọt, do đó, nếu có xảy ra xung đột giữa 2 hay nhiều quốc gia thì việc sử dụng vũ khí sinh học để ngầm tiêu diệt lẫn nhau, là điều không lấy làm ngạc nhiên ở vào thời buổi văn minh này.

Tuy nhiên, không gian bao la vô cùng tận của trái đất này không phải của riêng ai; chỉ có núi non, sông ngòi, biển cả mới có thể tạo nên khung cảnh, tạo nên vị trí, tạo nên giới hạn cho riêng từng quốc gia. Không có cái gì có thể bị cản trở trong cái không gian bao la này, do đó, vì lòng tham lam, vì lòng sân hận mà nhúng tay vào việc làm trái đạo, gieo rắc dịch bệnh để diệt chủng một hay nhiều dân tộc, thì đây chính là hành động “gậy ông đập lưng ông”, liệu rằng trong cái khoảng trời rộng bao la này, những con vi khuẩn có e ngại gì mà không lan tỏa để hoành hành ngược lại dân chúng của chính kẻ gieo rắc dịch bệnh hay không?

Qua bài Pháp “Những mối tương quan giữa con người và biến động”, Thầy đã giải thích rất rõ ràng mối tương quan vô cùng chặt chẽ giữa Thể Xác và Linh Hồn. Theo đó thì, (nhờ có linh hồn mà thân xác sẽ linh động hơn, nhạy bén hơn, hiểu biết sâu rộng hơn, thăng tiến hơn. Thân xác sẽ giúp cho Linh Hồn thăng hoa bằng cách tu tập để chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh, nhờ đó mà toàn thể các Thức trong linh hồn sẽ rực sáng lên để trở thành màn chắn, ngăn chận những gì hung hiểm tấn công vào thân xác).

Trên bình diện vô hình, cái gì mời gọi những bất trắc đến với mình? Đó chính là một cái tâm xấu ác của mình, một tư tưởng đen tối của mình và một tánh tình nông nổi của mình; tất cả đã kết hợp lại để tạo nên lời mời gọi những bất trắc đến với mình. Khi mình sống mà mình không có cái lá chắn thì đương nhiên cái gì cũng có thể xâm nhập vào con người của mình được hết.

Cái lá chắn đó từ đâu mà có? Nó chỉ có thể có được khi mình sở hữu một cái tâm trong sáng, một tư tưởng cao thượng, và luôn biết nghĩ đến người, biết lo cho người, tức là mình phải biết vun bồi cái tánh tương trợ, tánh giúp đỡ, tánh chia sẻ, tánh bảo bọc chở che cho người cô thế, yếu kém hơn mình.

Về phương diện hữu hình, Thầy đã phân tích để thấy rằng, do mình sống thiếu vệ sinh, sống bừa bãi, thiếu tổ chức, cho nên tự bản thân mình, bằng xương bằng thịt, mình đã mời gọi con vi trùng bệnh tới.

Về phương diện vô hình, mình sống quá thờ ơ, quá lãnh đạm, theo kiểu sống chết mặc ai, Tâm không từ bi, Ý luôn mờ ám, xấu xa, nhiều toan tính, Tánh dữ dằn, luôn vọng động, thử hỏi làm sao có thể tạo cho mình cái lá chắn để che thân?

Do đó mà việc mình phải đối đầu với dịch bệnh là việc đương nhiên!!

Cần phải nên ghi nhớ rằng : Không phải ai cũng bị dịch bệnh tấn công, có người bị, có người không, có người bị dịch bệnh mà chết, cũng có người bị dịch bệnh nhưng chữa khỏi. Đây không phải là điều có tính cách huyền bí, mà điều này nói lên rất rõ ràng rằng, có người có lá chắn, có người không có lá chắn. Nếu số người có lá chắn quá ít ỏi thì dịch bệnh sẽ kéo dài và trầm trọng. Nếu số đông người có lá chắn thì hào quang từ những lá chắn có thể đẩy lùi dịch bệnh, nhanh hay chậm tùy theo số đông này có tích cực hay không trong việc đem tâm thành để tôi luyện Tâm-Ý-Tánh của mình qua việc sám hối, cầu nguyện và niệm danh hiệu của vị Giáo Chủ mà mình thờ phượng mỗi ngày. Bên cạnh đó cũng không quên làm những điều tốt đẹp để cho hào quang của những phước đức tích tụ này được rực sáng lên, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Khi đã hiểu nguyên nhân vì sao mà dịch bệnh tới, nếu mình quyết tâm để xua đuổi nó thì việc đó sẽ không khó. Trong cuộc đời của mỗi người, có biết bao nhiêu cảnh huống xảy ra, có biết bao nhiêu điều khó khăn, rắc rối phải giải quyết, tất cả có khi còn nặng nề hơn cả dịch bệnh nữa. Ngày giờ này, trong cơn bất ngờ, hoảng loạn, mọi người thiếu tư duy, cho nên không tìm ra được mấu chốt của vấn đề để mà giải quyết.

Nên nhớ rằng, giải quyết nơi đây có nghĩa là giải quyết từ gốc rễ, gốc rễ đó chính là MÌNH!! Chỉ có mình mới thay đổi được mình, thay đổi một cách lâu dài những gì có liên quan đến mình. Đừng trông chờ vào kẻ khác. Khi mình có bệnh, dù cho có bác sĩ, có nhà thương, có thuốc hay, có thầy giỏi, nhưng, nếu mình thiếu phấn đấu, thiếu kiên trì, thiếu lòng tin, lơ là với việc trị bệnh, chắc chắn rằng sau thời gian dài chữa trị, bệnh vẫn còn y nguyên đó.

Nói về một cơn dịch bệnh, số người nhiễm bệnh chắc chắn phải là một con số to tát. Bên cạnh sự tiếp tay của chánh quyền sở tại, rất cần đến sự đóng góp tích cực của từng cá nhân. Sự đóng góp tích cực đó là gì? Chính là những cách thức tự chăm sóc bản thân mình mà Thầy đã đề cập trong phần nói về phương diện hữu hình.

Trong một quốc gia, có thể ví chánh quyền như bậc làm cha mẹ trong một gia đình có nhiều con cái. Khi các con đồng loạt ngã bệnh, chắc chắn sẽ gây sự bối rối cho cha mẹ rất nhiều. Các con sẽ có đứa bệnh nhiều, có đứa bệnh ít tùy theo thể trạng của mỗi đứa. Tuy nhiên, nếu mỗi đứa con đều nhận thức được sự tự giác, đem sức phấn đấu của mình để chống chọi bệnh tật, bên cạnh thuốc men cha mẹ cung cấp cho, còn biết tự mình làm thế nào để gia tăng sức đề kháng của cơ thể hầu đẩy lùi dịch bệnh, như thế sẽ làm giảm bớt đi gánh nặng trên vai của cha mẹ, giúp cho cha mẹ có thể dồn sức mà chăm sóc cho những đứa con quá yếu ớt.

Đối với những dịch bệnh hoàn toàn mới mẻ, phải cần nhiều thời gian nghiên cứu mới tìm ra được thuốc đặc trị cũng như thuốc chủng ngừa. Ngày hôm nay, thế giới văn minh sở dĩ có nhiều thuốc chủng ngừa, đó chính là kết quả của nhiều loại dịch bệnh kinh hoàng đã xảy ra từ nhiều chục năm, hay nhiều thế kỷ về trước.

Dù cho xảy ra bất cứ một loại dịch bệnh nào cũng đều đòi hỏi mỗi cá nhân trong môi trường đó phải giữ vệ sinh tuyệt đối, không hoảng hốt, không lo sợ thái quá để có đủ bình tỉnh nhận định từng chi tiết của bệnh trạng hầu tìm cách đối phó hay chạy chữa tạm thời hoặc ngăn ngừa việc lan tràn quá nhanh.

Chánh quyền dốc toàn lực vào việc tìm thuốc điều trị, thuốc chủng ngừa cũng như cung cấp đầy đủ những phương tiện cứu thương, y tế cho người mắc bệnh.

Cả 2 bên, chánh quyền lẫn người dân đều đồng tâm hợp sức để phòng chống dịch bệnh. Nếu chánh quyền ra sức mà người dân ù lì, không hợp tác thì chắc chắn việc chống dịch sẽ khó thành công, ngoài ra còn gây tạo nhiều mâu thuẫn.

Chúng sanh phải nhớ rằng, dịch bệnh phát xuất từ chúng sanh, chính tâm chúng sanh mời gọi dịch bệnh, do đó muốn đẩy lùi dịch bệnh, tâm chúng sanh phải chuyển hóa từ tối đen thành rực sáng.

Chúng sanh cần phải tư duy và nên tập thói quen tư duy. Thiếu tư duy sẽ khó lòng giải quyết mọi khó khăn xảy đến cho cuộc đời mình chớ đừng nói chi là dịch bệnh. Nghiệp lực rượt đuổi mình theo từng bước chân di động trên đường đời, những cảnh huống đến với mình đôi khi còn nặng nề, khốc liệt hơn cả dịch bệnh nữa. Thiếu tư duy, mình sẽ không khác người đang lần mò trong khu rừng già tối đen, chằng chịt dây leo, sẽ không tìm ra được lối thoát.

Khi mình tư duy, mình sẽ dễ dàng nhận ra được điểm chính yếu gây tạo nên tình huống, gây tạo nên những điều rắc rối, khó khăn. Từ đó, việc giải quyết chỉ là một cái búng tay thôi!


+ 38