• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Đời Sống Tâm Linh

Sep 06 2023
1317275471 1317275471

Kính bạch Sư Phụ,

Bất kỳ một con người bằng xương bằng thịt, hiện diện nơi cõi Ta Bà, không phân biệt Chủng Tộc, màu da, tiếng nói, đều sở hữu 2 đời sống: Đời Sống Vật Chất và Đời Sống Tâm Linh. Cả hai đời sống đó đều hoạt động song hành trong Thân Xác của mỗi Chúng Sanh.

Đời Sống Vật Chất thì quá quen thuộc với mọi người, nếu không muốn nói là càng ngày con người càng bị quấn chặt vào trong quỷ đạo của nền văn minh vật chất.

Đời Sống Tâm Linh xem ra còn mới mẻ với một số khá đông người, nhất là những người Trẻ ngày nay; họ có một niềm tin gần như tuyệt đối vào sự thăng tiến vượt bực của khoa học, và tỏ vẻ nghi ngờ trước những gì mà họ không sờ mó được, không đụng chạm được cũng như không đo đạc được.

Con không có tham vọng dẫn dụ một ai, tuy nhiên con biết rằng, Đời Sống Tâm Linh có thể giúp cho một con Người sống trong niềm An Lạc, và con Người vượt lên cao hay trầm luân trong Bể Khổ từ KIẾP này qua KIẾP kia cũng là do từ ở Đời Sống Tâm Linh.

Con kính xin Sư Phụ từ bi giải thích thật rõ ràng thế nào là Đời Sống Tâm Linh? Cũng như tầm quan trọng của sự hiện hữu của Đời Sống Tâm Linh trong cuộc đời của một con Người.

Đời Sống Tâm Linh là một đề tài vô cùng là phức tạp với rất nhiều chi tiết, nhưng Thầy sẽ cố gắng hệ thống hóa những chi tiết và chỉ đề cập đến những điều chính yếu mà thôi.

Nói đến Đời Sống Tâm Linh là phải nói đến sự cảm nhận nhiều hơn là sờ mó, hay là nhìn thấy.

Đối với Thân xác thì dễ dàng rồi, đau chỗ nào, sờ vào là biết ngay chỗ đó đau. Nơi nào có vấn đề chỉ cần nhìn vào cũng nhận ra được; thân xác bị thương nơi này hay mất mát nơi kia, việc phẫu thuật, mổ xẻ, chữa bệnh cũng rất là dễ dàng, vì người ta có thể nhìn thấy được, hiểu được cái nguyên do của sự đổi thay. Tất cả mọi sự biến đổi xảy ra trên Thân Xác đều được nhận biết một cách rất dễ dàng.

Còn đối với Tâm Linh thì có thể nói rằng, với Thân Xác, mọi việc dễ dàng như thế nào thì với Tâm Linh, sự khó khăn sẽ gấp 100 lần, vạn lần hơn so với Thân Xác.

Chữa lành một Thân Xác dễ dàng hơn chữa lành một Tâm Linh. Một con Người, bất kỳ là Nam hay Nữ, Già hay Trẻ, Da Đen hay Da Trắng, Da Vàng hay Da Đỏ, nói bất kỳ một ngôn ngữ nào, kẻ ở núi rừng, người ở đồng bằng, kẻ giàu có, người nghèo nàn, kẻ bần cùng, người cao sang… tất cả đều không qua 2 cái đời sống: đời sống thứ nhất là đời sống Vật Chất, đời sống thứ 2 là đời sống Tâm Linh. Thông thường thì người ta không gọi là Đời Sống Tâm Linh, mà người ta hay gọi đó là Đời Sống Tinh Thần.

Có thể nói rằng, hai cái đời sống này nó tương phản với nhau. Có đôi khi, một người có đời sống vật chất vô cùng là sung túc, gần như muốn gì được nấy, muốn đâu có đó, không bao giờ cảm thấy khó khăn, thiếu thốn. Nhưng, ngược lại, họ có một đời sống tinh thần vô cùng… vô cùng là nghèo nàn, nghèo nàn tới độ có thể lấy một thí dụ rằng, một hột cơm cũng kiếm không ra!

Cũng có những trường hợp mà một người có đời sống vật chất quá ư là thiếu thốn, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tất cả những nhu cầu, vậy mà đời sống tinh thần của họ thật vô cùng là phong phú, có thể nói một câu rằng, họ nghèo vật chất nhưng họ thừa mứa cái tinh thần.

Cũng có đôi khi Đời Sống Vật Chất và Đời Sống Tinh Thần cùng tương xứng nhau, nhưng mà những trường hợp này số đếm trên đầu ngón tay, không có nhiều!!

Thử xem coi cái gì tạo nên Đời Sống Vật Chất? Chính là tiền bạc, đồ vật, tài sản, nhà cửa, xe cộ, danh vọng, kẻ hầu người hạ, nhất nhất thứ gì cũng đều có đầy đủ, hay tối thiểu những cái gì căn bản cho cuộc sống thì cũng vẫn có, đó chính là Đời Sống Vật Chất. Cũng phải kể luôn những trò chơi điện tử, những trò giải trí vào trong đời sống vật chất.

Đời Sống Tâm Linh từ đâu mà có?

Một Con Người bằng xương bằng thịt, dù hiện diện bất cứ nơi đâu trên cõi Ta Bà, cũng đều sở hữu một Thân Xác và dung chứa bên trong Thân Xác đó là một Linh Hồn. Tuy nhiên, Chúng Sanh không có nhiều "hứng khởi" khi đề cập đến 2 chữ Linh Hồn, vì vẫn xem đó là một cái gì rất là thiêng liêng và gần gũi với sự "chết chóc". Từ ngữ mà Chúng Sanh quen dùng để đề cập đến những vấn đề có liên quan đến phần Tâm Linh, đó chính là TINH THẦN.

Theo đó thì sẽ có 2 Đời Sống: Đời Sống Vật Chất sẽ phụng sự cho Thân Xác và Đời Sống Tinh Thần sẽ chăm chút cho phần Tâm Linh (Linh Hồn).

Người sở hữu một Tinh Thần bạc nhược, yếu đuối, lúc nào cũng tỏ ra sợ sệt, yếu hèn, không dám biểu lộ tâm tư mình qua lời nói hay qua hành động, cử chỉ, chắc chắn rằng không thể có được một sự quyết định đúng đắn, sáng suốt về một sự việc nào đó.

Một tinh thần lúc nào cũng được đặt trên một lò lửa nóng hừng hực, lời thốt ra toàn chất chứa những sân hận, chua cay, liệu rằng những hành xử của chủ nhân cái tinh thần này có tránh được sự nông nổi và bồng bột hay không?

Một người mà đầu óc lúc nào cũng mơ tưởng, chứa đầy những hình ảnh dâm dục, sẽ đưa đến việc trông gà hóa cuốc, nhìn thấy ai cũng tưởng là gái đẹp, gái xinh, không sớm thì muộn cũng sa vào những hành vi phạm pháp có liên quan đến Tình Dục.

Một tinh thần luôn ở trong trạng thái hòa nhã, sốt sắng, tích cực và lắng nghe thì mọi quyết định mới mong đạt được kết quả tốt đẹp và khách quan. Tinh thần tương trợ và hòa đồng sẽ giúp cho một người dễ tiến gần với mọi người chung quanh qua lòng nhân ái, vị tha.

Mọi sự tư duy, suy gẫm hay quán chiếu về bất kỳ một điều gì, kể cả việc tu tập, đều có liên quan trực tiếp đến đời sống tinh thần, vì Chúng Sanh chỉ có thể cảm nhận những cảm giác của mình mà không thể nào sờ mó chúng được.

Cũng tương tự như vậy, việc giùi mài, học hỏi, suy nghĩ, tìm hiểu, khám phá về một vấn đề gì đó, hay về một công trình nghiên cứu nào đó, sẽ thuộc đời sống tinh thần. Khi việc học hỏi, nghiên cứu chấm dứt, tất cả những sự hiểu biết trở thành Kiến Thức, sẽ được sáp nhập vào phần Trí Tuệ để góp một bàn tay tạo nên Đời Sống Vật Chất của một Con Người.

Do đó, để tôi luyện cho phần Trí Tuệ là phải sử dụng tất cả những cái Thức của mình, quan trọng nhất là Ngũ Thức. Những cái gì mà mình thấy, mình nghe, mình hiểu, mình sờ mó được, kể cả cái việc mà mình nếm qua hương vị của một thức ăn, hay ngửi mùi hương của một loại bông hoa cây cỏ nào đó… cũng đều cho mình một cảm giác. Chính cái Thức mới cho mình cái cảm giác và cảm giác đó không thuộc về thân xác, mà nó trực thuộc vào trong phần tinh thần, vì tất cả những cảm giác sẽ tụ về ở đâu? Nó sẽ tụ về trong Tâm Thức.

Tất cả những cảm giác gồm có, cảm giác sợ – cảm giác vui – cảm giác buồn – cảm giác sân hận – cảm giác thỏa đáng – cảm giác thích thú – cảm giác thoải mái – cảm giác an lạc, v.v… và nó có tính cách như thế nào? Nó tạo nên những vết hằn, tương tự như là những “chữ nổi” trong Tâm Thức vậy đó.

Những cảm giác này không thể đo đạc được bằng đơn vị đo lường, hay bằng một sự kiểm đếm nào, mà sự đo đạc đó chỉ có được qua sự cảm nhận mà thôi!

Từ ở những cái cảm giác đó mới phát sinh ra những Ước Muốn, và từ ở những ước muốn mới đưa đến việc hiện thực hóa cái ước muốn. Thầy lấy thí dụ sau đây:

Người A nhìn chiếc nhẫn kim cương lấp lánh trên tay của người B, điều này tạo cho người A một cái cảm giác thích thú với cái lấp lánh đó, và từ cái thích thú đó, người A đi đến cái ước muốn là mình cũng có được một cái lấp lánh y như vậy.

Muốn làm cho "cái Ước Muốn" đó được thành tựu thì phải như thế nào?

Câu hỏi đặt ra là: Cái ước muốn đó từ đâu mà có? Nó do từ ở cái tánh Tham mà ra. Từ ở cái Tánh Tham nó mới chuyển sang cái tánh Bất Lương; từ ở cái tánh bất lương nó mới đưa đến cái tánh Sang Đoạt; từ ở cái tánh sang đoạt nó mới đưa đến cái tánh Cướp Giựt.

Tất cả nó đi dây chuyền với nhau, cho nên từ chút… từ chút, nếu không dùng cái Thức để nhận biết nó thì khó lòng mà biết được, khó lòng mà tìm hiểu được cái nguyên do của những vấn đề xảy ra.

Đề cập nơi đây chỉ mới có Ngũ Thức mà thôi, trường hợp này thuộc về Nhãn Thức, thế mà nó kéo dây tơ rễ má cho đến cái cuối cùng là cái gì? Là cái CƯỚP GIỰT.

Nên nhớ rằng người B đang đeo chiếc nhẫn trên tay, muốn thực hiện hành vi Cướp Giựt thì hoặc là chặt tay người B, hay là cướp đi sanh mạng của người B. Dù bằng cách nào thì người A vẫn phạm vào Tội SÁT NHÂN.

Cho nên, những cái từ chút... từ chút đó là những cái mắt xích kết nối với nhau để tạo nên một cái Tinh Thần, và cái tinh thần trong trường hợp này nó thuộc về “bại hoại” chớ không có vượt lên cao được.

Đời sống tinh thần luôn luôn đòi hỏi một sự tỉ mỉ, sâu sắc để khám phá ra những cảm giác, tức là những chữ nổi hằn trên Tâm Thức mà Thầy đã đề cập ở trên.

Gần như Chúng Sanh nào cũng đều không muốn mất thì giờ để mà kiểm điểm những cảm nhận của mình, để xem nó đi từ chút…từ chút như thế nào? Người ta tưởng rằng một người có tánh Tham, nhìn vào người khác có vật lấp lánh trên tay là có ý muốn chiếm đoạt và hành động ngay tức khắc cái việc chiếm đoạt. Mọi việc không đơn giản như vậy đâu! Người ta chưa từng bao giờ kiểm điểm để xem coi sự diễn tiến của cái nhìn của mình như thế nào? Rồi thì nó diễn tiến ra làm sao để đưa đến việc là mình thực thi cái Tánh Bất Lương? Và còn hơn thế nữa, đó là việc làm tổn hại đến sanh mạng của kẻ khác.

Cho nên Đời Sống Tinh Thần dính chặt với các Thức, vì chỉ có các Thức mới có thể ghi nhận được hết tất cả những cái gì mà mình thấy, mình nghe, mình biết, tức là những cái gì xảy ra ở chung quanh mình. Sự hoạt động của Ngũ Thức vô cùng…vô cùng là quan trọng vì nó sẽ gom thâu tất cả những cảm giác để đưa về cho Tâm Thức, để từ đó, Tâm Thức mới có thể chụp ảnh từ bước một, sự hoạt động của từng cảm giác. Điều này cho thấy sự hoạt động của các Thức rất là vi tế, rất là phức tạp, mà Thức thì có liên quan rất nhiều đến cái Ý.

Từ nãy giờ, BỘ BA TÂM-Ý-TÁNH gồm lại chỉ còn có MỘT mà thôi và cái tầm quan trọng vô cùng của Tâm-Ý-Tánh là nó khởi động từ ở cái Thức, tức là từ ở cái Ý rồi nó chuyển qua cái Tâm và sau đó triển khai cái Tánh.

Cho nên, một lần nữa Thầy tha thiết nhắc nhở toàn thể Chúng Sanh hãy thấu đáo cái tầm quan trọng của 3 chữ Tâm - Ý -Tánh, vì nó là đầu mối để gây tạo nên hằng hà sa số những điều sai trái của Chúng Sanh; một khi đã vướng vào trong Tâm Thức rồi thì việc tháo gỡ, xóa mờ đi những lỗi lầm không phải là việc dễ dàng như người ta xóa cát ở trên bãi biển đâu. Tâm-Ý-Tánh đã tạo nên một nghiệp tội thì cũng chính Tâm-Ý-Tánh xóa đi cái nghiệp tội. Vấn đề then chốt là nằm ở ngay tại đó.

Đời sống Tinh Thần dính liền với các Thức, nhất là Ngũ Thức, chỉ có thể cho cảm giác mà không thể sờ mó được, vì vậy mà nó được gọi là Tâm Linh, và chủ thể của nó chính là Tâm Thức.

Như vậy đã rõ ràng cái cội nguồn của Đời Sống Tâm Linh, đó chính là Thần Thức của mỗi Chúng Sanh. Chỉ có Thần Thức mới nắm vững được cái TÂM – cái Ý – cái TÁNH, và Thần Thức chi phối rất nhiều đến Đời Sống Tâm Linh của một Chúng Sanh. Một Đời Sống Tâm Linh dồi dào, phong phú, luôn hướng Thiện và đầy Nhân Tính là kết quả của một sự chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh của Thần Thức, là một sự tập luyện, trau giồi không ngừng nghỉ, đầy tích cực của một Chúng Sanh đối với đứa con Thần Thức của mình.

Thầy đã giải thích rất rõ ràng cái cội nguồn của Đời Sống Tâm Linh, nó có liên quan trực tiếp đến Tâm-Ý-Tánh rất là nhiều, do đó, Thầy mong rằng Chúng Sanh nhận định rõ sự hiện diện của Đời Sống Tâm Linh trong Thân Xác của mình, cũng như sự vận hành của Đời Sống Tâm Linh trong cuộc sống thường nhật. Có như thế Chúng Sanh mới dễ dàng đối phó với mọi cảnh huống xảy ra trong suốt cuộc đời mình.

Nói tóm lại là, mỗi Chúng Sanh của Cõi Ta Bà có 02 Đời Sống hẳn hòi: Đời Sống Vật Chất phụng sự cho Thân Xác * Đời Sống Tâm Linh (không phải là đời sống tinh thần như Chúng Sanh đã nghĩ sai) chăm chút cho Thần Thức.

Nói đến Đời Sống Tâm Linh là nói đến cái Thần Thức đang làm chủ cái Thân Xác đó, và chính cái Thần Thức đó mới tạo một ảnh hưởng sâu sắc đến Đời Sống Tâm Linh của một Con Người. Chỉnh sửa Thần Thức đi cho đúng đường, luyện tập Thần Thức để sở hữu nhiều Tánh Tốt, không còn ngang bướng và trở nên dễ dạy, đầy ấp Tình Người……đó chính là những điều mà Thân Xác phải thật sự quan tâm, nếu muốn có được một Đời Sống Tâm Linh tốt đẹp đến với mình.

Sẵn đây, Thầy cũng nhắc nhở để Chúng Sanh đừng nhầm lẫn:

Người Đời thường hay nói đến từ ngữ "TINH THẦN", nào là tinh thần minh mẫn, tinh thần sảng khoái, tinh thần vui tươi, tinh thần buồn bã, tinh thần chán nản, tinh thần hứng khởi, tinh thần phấn chấn..v.v….Từ ngữ tinh thần này không dính líu gì đến Đời Sống Tâm Linh của một Con Người. Thực chất của nó chính là cái ánh sáng toát ra từ ở Trí Tuệ (hay Trí Thông Minh), và nó hoàn toàn có liên quan mật thiết với Thân Xác Con Người.

Tất cả những kiến thức từ ở trường học, từ ở trường Đời, từ ở những nghiên cứu tìm tòi, từ ở sự học hỏi, sự chỉ dạy của Thiện Tri Thức sẽ làm cho phần Trí Tuệ của một Người được phong phú lên, dồi dào hơn, do đó mà Tinh Thần của người này được minh mẫn, sáng suốt và thấu đáo mọi việc chung quanh rất dễ dàng.

Chúng Sanh không thể nào sờ mó vào cái Ánh Sáng trí tuệ này được, nó vô hình, chỉ có thể cảm nhận được mà thôi.

Một Tinh Thần luôn vui tươi, năng động và tích cực sẽ giúp cho Thân Xác cường tráng, khỏe mạnh, ít bệnh tật. Ngược lại, một Thân Xác già nua, cằn cỗi, nay đau mai mạnh cũng làm giảm sụt đi rất nhiều sự năng động tích cực của Tinh Thần.

Giữa Thân Xác và Tinh Thần có một sự hỗ tương chặt chẽ như thế, sẽ khiến cho người Đời phải suy gẫm lại nhân sinh quan của chính mình, để cho Thân Xác và Tinh Thần lúc nào cũng song đôi trong suốt cuộc đời mình, tận dụng sự năng động của cả 2 để thực hiện được nhiều điều hữu ích cho Mình lẫn cho Người. Khi chân đã mỏi, gối đã chùn, Thân Xác lẫn Tinh Thần đều cùng tận hưởng những phút giây ôn tập những "điều đáng làm" cho cuộc sống.

Làm sao đo lường Đời Sống Tâm Linh?

Kính bạch Sư Phụ,

Đã rõ ra, cái cội nguồn của Đời Sống Tâm Linh chính là Thần Thức của mỗi Chúng Sanh. Như thế thì làm sao con có thể đo lường được cái Đời Sống Tâm Linh của con?

Tu tập là chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh, mà Đời Sống Tâm Linh được tạo thành từ ở đâu? Chính là từ ở Tâm-Ý-Tánh. Khi nói đến cái Ý là phải nghĩ ngay đến phần Ngũ Thức nằm ở trong đó. Vì vậy mà, nếu người tu tập cảm thấy rằng Tâm-Ý-Tánh của mình càng ngày càng lên cao, Tâm mình càng lúc càng sáng hơn, mình sở hữu được nhiều Tánh Tốt hơn, sự giao tế của mình được dễ dàng hơn, tức khắc sẽ hiểu rằng Đời Sống Tâm Linh của mình đã được lên cao rồi đó. Bởi vậy cho nên Thầy thường khuyên bảo là phải Tư Duy, vì nếu không tư duy thì cái phần Ý cộng với Ngũ Thức sẽ bị lu mờ đi.

Cũng tương tự như thế với phần Trí Tuệ (Trí Thông Minh), nếu không thường xuyên tư duy thì cái kiến thức nằm trong Trí Tuệ sẽ không khác gì một thỏi kim loại, sẽ rỉ sét qua ngày tháng vì không được lau chùi, đánh bóng, do đó mà không thể tỏa ra ánh sáng được.

Với Đời Sống Tâm Linh thì càng tư duy nhiều chừng nào thì phần Ý càng sáng rực lên chừng đó. Nếu phần Ý đã rực lên thì tất nhiên nó phải ảnh hưởng đến cái Tâm và cái Tánh. Cho nên càng trui rèn Tâm-Ý-Tánh thì Đời Sống Tâm Linh càng khởi sắc, càng lên cao. Do đó dễ nhận ra lắm!

Nền văn minh vật chất quá là hấp dẫn, càng ngày càng cuốn hút con người vào trong cái quỹ đạo vật chất thật là chặt chẽ, khó mà vùng vẫy được. Chính vì vậy mà Con Người càng ngày càng bỏ bê, xa lìa cái Đời Sống Tâm Linh, thậm chí một số rất đông Người đã không còn ghi nhận hay chưa từng nghĩ đến sự hiện hữu của Đời Sống Tâm Linh.

Người ta hô hào làm Từ Thiện; rủ nhau cùng đến chùa ăn chay niệm Phật, ngồi thiền; người ta khuyên nhau Tu Tập, kết nhóm bạn để cùng tu…tuy nhiên người ta đã quên đi việc trau giồi Đời Sống Tâm Linh mà cái chánh yếu ở trong đó chính là Tâm – Ý – Tánh.

Tu tập là cốt làm cho Đời Sống Tâm Linh càng ngày càng khởi sắc thêm qua việc sửa những Thói Hư Tật Xấu, nhờ đó mà Tâm trở nên Bình, Ý càng ngày càng tỏa sáng trong chiều hướng cao thượng tốt đẹp. Chính Đời Sống Tâm Linh mới giúp cho một con Người thoát được gọng kềm của mọi sa ngã, mọi quyến rũ của Đời Sống Vật Chất.

Đời Sống Tâm Linh càng vượt cao, con Người càng trở nên sáng suốt hơn, sự suy tư càng sâu sắc hơn, chín chắn hơn, mọi hành xử đều tỏ ra có sự cân phân, chọn lọc.

Càng tu tập chân chính, Đời Sống Tâm Linh càng biến đổi; nó biến đổi theo cái Thần Thức. Một sự chỉnh sửa Tâm – Ý – Tánh đúng nghĩa, đúng cách, có khả năng chuyển hóa Thần Thức, từ Chúng Sanh tiến lần đến Bồ Tát, rồi đến Phật.

Đời Sống Tâm Linh ảnh hưởng đến Thân Xác như thế nào?

Kính bạch Sư Phụ,

Câu hỏi kế tiếp kính xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ, đó là: Đời Sống Tâm Linh dính chặt với Thần Thức, như vậy thì Đời Sống Tâm Linh có cần đến Thân Xác hay không? Nếu có thì cái tầm ảnh hưởng của nó đến Thân Xác như thế nào?

Ngay khi còn hiện Thế, Đời Sống Tâm Linh rất cần đến Thân Xác vì nếu không có Thân Xác thì làm sao chỉnh sửa được Thần Thức?

Chúng Sanh đã biết rằng cái cội nguồn của Đời Sống Tâm Linh chính là Thần Thức của mỗi Chúng Sanh. Thần Thức nắm trong tay tất cả những Nghiệp Lực, những Oan Trái của Chúng Sanh. Dù biết rằng những Nghiệp Chướng đó là do Thần Thức của Chúng Sanh đã gây tạo ra, nhưng Thần Thức đã trụ vào một Thân Xác nào thì tất cả Vui – Buồn – Đau – Khổ – Tang – Thương, Thân Xác đó đều phải nhận lãnh cả.

Thân Xác có thể là Cha hay là Mẹ của Đứa Con Thần Thức của mình. "Con dại thì Cái phải mang", Đứa Con Thần Thức đã gây tạo quá nhiều lầm lỗi, lắm tai ương, giờ đây Thân Xác Mẹ hay Cha cũng đều rã rời, rơi nhiều máu lệ mà đón nhận những tai ương, những đau khổ, thậm chí những trận đòn chí tử từ ở các Chủ Nợ của Đứa Con Thần Thức của mình. Họ đòi nợ ráo riết, tạo nhiều khó khăn, gieo nhiều tật bệnh, đủ cách, đủ trò giáng lên Thân Xác của Cha hay Mẹ của Đứa Con Thần Thức.

Để chỉnh sửa, dạy dỗ Đứa Con Thần Thức này, và nhất là để thoát ra được "Cái Lưới" Nghiệp Lực đang bủa vây, Chúng Sanh phải đem hết tâm thành tu tập, luôn chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh của mình, thường xuyên thiết tha sám hối ăn năn và làm nhiều điều Thiện Lành. Đem Công Đức – Phước Đức chân thành hồi hướng cho các Oan Gia Trái Chủ như một sự đáp đền.

Đời Sống Tâm Linh của Chúng Sanh đó trong 1-2 năm đầu tu tập vẫn chưa khởi sắc lắm, nhưng bắt đầu qua năm thứ 3 trở về sau, nhờ tư duy Pháp, tư duy tất cả những gì mình biết được qua Ngũ Quan và Ngũ Thức, cộng thêm với thành quả của việc chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh, ánh sáng Trí Huệ được hé lộ.

Càng tích cực tu tập, chân chính tu tập, nhất là luôn hành trì "Đúng" Sám Hối – Trì Chú – Niệm Phật, Trí Huệ sẽ càng phát sáng hơn. Người tu tập có trí huệ, tương tự như người đang đeo ngọn đèn trước trán, dễ dàng nhìn thấu những sai sót của chính mình, những việc làm không đúng, thiếu sáng suốt, hay kém khôn ngoan.

Càng tu tập lâu dài, Tâm-Ý-Tánh càng được mài giũa, Đời Sống Tâm Linh càng khởi sắc, trở nên nhạy bén hơn do ở cái "Bóng Đèn Trí Huệ" đã được "gia tăng công suất". Đến một lúc nào đó, cái bóng đèn trí huệ sẽ có một cường độ thật là cao, và người tu tập cũng trút bỏ Thân Xác, Thần Thức ra đi cùng với Ngọn Đèn Trí Huệ về một nơi chốn mà mình chọn lựa.

Tất cả đã nói lên rằng, Thân Xác vô cùng là quan trọng đối với những gì không thuộc về hữu hình của Thân Xác. Chỉ vì mắt thường không nhìn thấy được, tay không thể nào sờ mó, tiếp xúc được, chớ tất cả những gì thuộc về vô hình của Thân xác vẫn không ngừng hoạt động và hình thành.

Việc chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh giúp loại trừ được nhiều Thói Hư Tật Xấu, quan trọng nhất chính là biết buông bỏ TỰ ÁI, đó là đầu mối của biết bao nhiêu Oan Trái; còn mang tự ái bên mình sẽ khó mà hành xử tốt đẹp với người chung quanh. Sự bực dọc, sự lụy phiền (Stress) cũng là do từ ở cái Tự Ái mà ra; mới thoạt nhìn, ai cũng cho là những người chung quanh đã tạo Stress cho mình, nhưng thật sự ra, chính là MÌNH đã đem Stress đến cho mình, vì mình không buông bỏ được Tự Ái xuống nên rất khó cư xử đẹp với người chung quanh, lại thêm không thích Lắng Nghe, hoặc nghe một cách hững hờ, không thấu đáo, cho nên không thể hành xử một cách Hòa Nhã, Thông Cảm và Vị Tha được.

Tiễn Tánh Xấu đi, rước Tánh Tốt vào, Tâm Ý dễ rung động, dễ cảm thông trước sự bất hạnh của kẻ khác, do đó biết nghĩ đến tha nhân, cho nên hành Thiện nhiều hơn; càng cho đi, sẽ càng nhận lại nhiều hơn, Phước Báu gia tăng, tuy không giàu có nhưng sống đời thảnh thơi.

Càng tu tập, Tâm-Ý-Tánh càng đổi thay, sức khỏe từ Thể Xác đến Tinh Thần được gia tăng, công năng từ câu Trì Chú cho đến Lời Niệm Phật tạo nên một Vòng Hào Quang luân chuyển theo 2 Vòng Nhâm Mạch và Đốc Mạch trong cơ thể, có khả năng ngăn chận những trược khí từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, gây nên nhiều bệnh tật cho nội tạng.

Sống Tốt, sống Hòa Nhã, sống Khiêm Cung, biết Chia sẻ, biết Tương Trợ, không Thị Phi, không Kỳ Thị, sống với tinh thần Vị Tha, đầy Nhân Ái…. chắc chắn rằng sẽ dễ dàng tạo nên bầu không khí vui tươi, dễ thở và đồng điệu với mọi người chung quanh.

Hai chữ TU TẬP nơi đây mang ý nghĩa là mình tự chỉnh sửa bản thân mình. Qua cái Thần Thức, qua tất cả những cảnh huống trái ngang của cuộc đời mình, chắc chắn rằng mình đã hiểu rõ cái cội nguồn của mình như thế nào rồi? mình đã tạo tác những lỗi lầm ra làm sao? ngày giờ này mình bắt buộc phải chỉnh sửa như thế nào để chuộc lại những lỗi lầm khi xưa? Vấn đề quan trọng là mình phải hành xử mọi việc trong sự CHÂN THÀNH và THA THIẾT. Mình làm cho chính bản thân mình chớ không phải đem trưng bày cho mọi người ngắm nghía, do đó không thể làm một cách cẩu thả và tắc trách được.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã để lại toàn bộ cái sơ đồ tu tập, ngoài ra Ngài còn cẩn thận đưa Người hỗ trợ và tiếp sức cho việc tu tập của Chúng Sanh, đó là Đức A Di Đà Phật cùng với cả cái Cực Lạc của Đức Phật này.

Thầy cũng đã trình bày rất rõ ràng cái Sơ Đồ Tu Tập, Chúng Sanh cứ y theo đó mà tu tập, chỉnh sửa phần tâm linh của mình. Tuy rằng Chúng Sanh không nhìn thấy được cái phần Tâm Linh này, nhưng nó lại là phần chính yếu và giữ vai trò quan trọng trong việc luân hồi của Chúng Sanh. Nếu Chúng Sanh quyết định xa rời việc luân hồi thì phải tích cực tu tập để tôi luyện cái Đời Sống Tâm Linh của mình, giúp cho Thần Thức thăng hoa, sau khi rời bỏ Báu Thân.

Thân Xác và Tâm Linh là một sự hỗ tương chặt chẽ! Có Thân xác mới có thể tôi luyện phần Tâm Linh, nhưng Thân Xác thiếu phần Tâm Linh, Thân xác sẽ đi xuống chớ không thể nào đi lên được, từ đó cơ hội để về Cực Lạc hay về Cõi Trời sẽ còn rất là xa vời!!

Chúng Sanh đồng hóa Đời Sống Tâm Linh với Mê Tín Dị Đoan

Kính bạch Sư Phụ,

Con muốn thỉnh ý Sư Phụ về vấn đề sau đây: Người Đời thường hay nói rằng: "Tôi tâm linh lắm đó nghe" Câu nói này mang ý nghĩa như thế nào? Đúng hay Sai? Kính xin Sư Phụ từ bi chỉ dạy.

Tôi "tâm linh" có nghĩa là gì? Có nghĩa là tôi tin tưởng ở Đấng này, Đấng kia, Đấng nọ… Thật sự ra các Đấng đó không cần ai tin tưởng cả, không có Đấng nào vấy vào Nghiệp Lực của Chúng Sanh. Đời Sống Tâm Linh có tương quan mật thiết với Tâm-Ý-Tánh; việc chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh sẽ giúp nâng cao Đời Sống Tâm Linh của một Chúng Sanh. Do đó mà cái Đấng gần nhất có thể giúp cho một Chúng Sanh giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, có liên quan đến một cảnh huống nào đó mà Chúng Sanh đang phải đối diện, Đấng đó chính là Bản Thân của Chúng Sanh, vì chỉ có chính Chúng Sanh mới có thể giải quyết vấn đề liên quan đến Tâm-Ý-Tánh mà thôi.

Các Đấng cũng không thể nào làm cho Đời Sống Tâm Linh của bất cứ ai gia tăng lên được, ngoại trừ cái việc là giúp cho Chúng Sanh đó tìm được phương tiện hay là gặp được Thiện Tri Thức để chỉ dẫn, giúp đỡ, làm cách nào chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh của mình, để giúp nâng cao cái Đời Sống Tâm Linh của Chúng Sanh đó.

Nếu một Chúng Sanh bị vướng mắc trong vấn đề tư duy, tìm không ra được câu giải đáp, thì Chư Phật và Bồ Tát có thể ban cho một chút ít trí huệ để Chúng Sanh này nâng cao khả năng tư duy lên một chút, để có thể dễ dàng tháo gỡ những vướng mắc của mình, nếu Chúng Sanh đó thành tâm thành ý.

Các Đấng Từ Bi chỉ có thể làm được việc đó, còn ngoài ra không thể làm hơn được để ảnh hưởng đến Đời Sống Tâm Linh của một Chúng Sanh, nếu chính Chúng Sanh đó không tự làm điều gì hơn để vun bồi Đời Sống Tâm Linh của mình.

Cho nên, đừng đồng hóa Đời Sống Tâm Linh với Mê Tín Dị Đoan. Chùa chiền là nơi chốn để giúp cho Phật Tử biết cách nâng cao cái đời sống tâm linh của mình qua những bài Pháp, qua những lời Kinh, tức là lời Pháp của Đức Bổn Sư. Những vị tu ở chùa có bổn phận chuyển đạt Tâm Ý của Đức Bổn Sư đến cho Phật Tử, để Phật Tử hiểu rõ cách thức tu tập sao cho đúng đường, đúng lối. Nếu Phật Tử hiểu sai đường lối tu tập, các vị tu sĩ nên nhắc nhở và chỉ dẫn.

Lương tâm của một vị tu sĩ không thể nào làm ngơ trước bất cứ một việc làm thiếu suy nghĩ, thiếu chín chắn của Phật Tử. Giúp cho Phật Tử tu tập là giúp cho họ thoát được Vòng Sanh Tử Luân Hồi, do đó mà Công Đức vô lượng vô biên! Những hành vi có tính cách mê tín dị đoan như Cầu An, Cúng Sao Giải Hạn, Xin Xăm, Trục Vong, Đồng Bóng, Cầu Hồn, Cầu Cơ, Thắp Đèn Dược Sư, Cầu xin Chư Phật, Chư Bồ Tát giúp cho đạt thành ước nguyện này, ước nguyện nọ.. v.v.…. cần phải được nhà chùa giải thích, hướng dẫn để Phật Tử không còn nghĩ sai về những vấn đề này nữa.

Chùa chiền cũng nên giúp cho Phật Tử chỉnh sửa cái Tâm-Ý-Tánh của mình, vì có chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh thì Đời Sống Tâm Linh mới được nâng cao. Việc chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh vừa giúp cho Đời Sống Vật Chất trên Thân Xác của mình, mà cũng vừa giúp cải thiện Thần Thức của mình nữa. Thần thức của mình là đứa con của chính mình, mình chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh là mình cảm hóa được đứa con của mình, là mình dạy dỗ được đứa con để giúp cho nó trở nên dễ dạy, dễ biểu, có nhiều Tánh Tốt và luôn làm những điều tốt đẹp.

Điều đáng nói nhất là Đứa Con Thần Thức có được dạy dỗ thì cuộc đời của chính người Cha hay người Mẹ mới bớt dần đi cái cảnh giông gió dập vùi.

Đời Sống Tâm Linh, thật sự ra, quan trọng vô cùng cực! Nếu Đời Sống Vật Chất có thiếu thốn, có quá là nghèo nàn, Chúng Sanh vẫn còn có thể kêu gọi sự giúp đỡ của những người tốt bụng, hoặc là xin trợ cấp từ ở cơ quan công quyền. Nhưng, nếu Đời Sống Tâm Linh của một Chúng Sanh hoàn toàn rỗng tuếch, thì Chúng Sanh dễ dàng mất phương hướng cho cuộc đời mình và xác suất để Chúng Sanh đó có thể tạo lỗi lầm, hoặc là làm điều phi pháp, sẽ lên rất cao.

Người ta có thể đem sức lao động, làm 2-3 công việc để có được nhiều tiền lấp đầy cái Đời Sống Vật Chất, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc làm sao để vun bồi cái Đời Sống Tâm Linh. Khi phải đối diện với một cảnh huống nào đó, sự thôi thúc của một cái Ngã quá cao và một cái Tự Ái vượt bực, sẽ khiến cho người ta nghĩ đến cái Đời Sống Tâm Linh và đã không ngần ngại sử dụng nó trong những việc có tính cách Tà Đạo, Tà Thuật để hại Người. Rõ ràng là chính mình đã tự hại lấy bản thân mình!!

Đời Sống Tâm Linh có tiếp tục theo Thần Thức qua một kiếp khác hay không?

Thông thường thì Đời Sống Tâm Linh có tiếp tục theo Thần Thức qua một kiếp khác hay không? Thưa Sư Phụ

Chúng Sanh đã hiểu rằng, Con Người luôn có 2 phần: Thân Xác và Linh Hồn (hay còn gọi là Thần Thức). Phụng sự cho Thân Xác thì có Đời Sống Vật Chất, hỗ trợ cho Thần Thức chính là Đời Sống Tâm Linh. Đương nhiên rằng khi không còn Thân Xác nữa thì Đời Sống Tâm Linh sẽ biến mất. Tuy nhiên, cái cội nguồn của Đời Sống Tâm Linh chính là Thần Thức của mỗi Chúng Sanh, mà chỉ có Thần Thức mới nắm vững được cái TÂM – cái Ý – cái TÁNH, Đời Sống Tâm Linh ảnh hưởng trực tiếp vào Thần Thức, do đó mà nó sẽ đi theo Thần Thức khi Thần Thức lìa khỏi báu thân.

Nói cho rõ hơn, thực chất của Đời Sống Tâm Linh chính là Tâm – Ý -Tánh, do đó mà từ ngữ chính xác được dùng là Tâm-Ý-Tánh chớ không phải là Tâm Linh. Mà đã là Tâm * Ý * Tánh thì dĩ nhiên sẽ theo Thần Thức đến bất cứ nơi đâu mà Thần Thức an trụ.

Ngay khi Chúng Sanh còn ở hiện Thế, một sự quyết tâm chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh sẽ giúp cho Thần Thức của Chúng Sanh đó thăng hoa. Sau khi rời bỏ báu thân, sự thăng hoa sẽ không dừng lại, Thần Thức trên Thai Sen vẫn tiếp tục chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh. Khi còn trên Dương Thế, Đời Sống Tâm Linh có giới hạn qua cái thọ mạng của Thân Xác, do đó mà việc chỉnh sửa Tâm – Ý -Tánh cũng có giới hạn, tuy là có giới hạn, việc chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh vẫn đem lại cho Chúng Sanh đó nhiều thành quả tốt đẹp trong cuộc đời.

Trên Thai Sen của Cõi Cực Lạc, Thánh Chúng vẫn tiếp tục sửa Tánh qua việc sám hối từ ở những hình ảnh nghiệp chướng rút ra từ trong Tâm Thức. Để cho việc sám hối được thành tựu tốt đẹp, Thánh Chúng bắt buộc phải tư duy từng hành động của mình qua hình ảnh nghiệp chướng, từ đó rút ra cái kết luận là cái Tánh nào của mình đã gây tạo ra cái hành động đó. Một khi đã biết được mình tạo tội từ ở Tánh Xấu nào, và Tánh Xấu đó đã đem đến một tổn thất tai hại như thế nào cho người bị hại, Tâm của Thánh Chúng sẽ thật sự rung động, ảnh hưởng đến màn Vô Minh rất nhiều.

Cho nên, với một Thần Thức thăng hoa thì sự chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh vẫn còn luôn tiếp tục để mà vượt lên…vượt lên… Chín phẩm Hoa Sen của Cực Lạc là một biểu tượng để giúp cho Thánh Chúng hiểu rằng, mình đã chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh lên được tới đâu rồi?

Làm thế nào để trau giồi một Đời Sống Tâm Linh tốt đẹp?

Con muốn hỏi là làm thế nào để trau giồi một Đời Sống Tâm Linh tốt đẹp? Thưa Sư Phụ

Muốn trau giồi một Đời Sống Tâm Linh tốt đẹp là phải ráng cố gắng để tích lũy cho thật nhiều Tánh Tốt. Tích lũy nhiều Tánh Tốt là hình thức hủy bỏ đi Tánh Xấu. Khi Tánh Xấu đã không còn, cuộc sống sẽ trở nên thơ thới, nhẹ nhàng, không có gì phải gút mắt, cũng không có gì phải phiền muộn, khi mà mình biết buông bỏ Tự Ái xuống. Đó chính là đầu mối của Sân Hận, của Lụy Phiền, của Rắc Rối, của Bất An.

Tham – Sân – Si mang đến cho cuộc đời Con Người toàn là nước mắt, là thương đau, là khổ sầu dưới vô số dạng thức, khiến cho cuộc đời của một người lúc nào cũng lắc lư theo chiều gió, không thể vững vàng được. Dây tơ rễ má của Tham-Sân-Si dài vô tận, cứ tùy thời, tùy cơ, tùy lúc thuận tiện mà bủa vây, mà quấn chặt, khiến cho Con Người khó vùng vẫy khỏi cái bẫy rập của hằng hà sa số những Tánh Xấu.

Do đó, nếu không quyết tâm, không can đảm, không kiên cường chiến đấu, thì mãi mãi Con Người vẫn là nô lệ của những Tánh Xấu, không phải riêng ở hiện kiếp mà còn không biết bao nhiêu kiếp nữa ở Vị Lai. Cho nên phải vùng lên, phải mạnh mẽ lên để chống chọi lại với những Thói Hư Tật Xấu từ ở bản thân mình và những Tánh Xấu xuất phát từ ở ngay môi trường mình sinh sống.

Một Tánh Xấu được triệt tiêu sẽ có một Tánh Tốt tự động thay thế vào.

Không nói dối nữa thì thành ra người Chân Thật, Ăn Ngay Nói Thẳng – Không ăn cắp nữa thì sẽ được mang tiếng Lương Thiện – Không còn ích kỷ hẹp hòi sẽ trở nên Rộng Lượng – Không còn khắc khe, bắt bẻ sẽ được tiếng Khoan Dung, Vị Tha, dễ Cảm Thông…

Với những Tánh Tốt làm nền cho cuộc sống thì vô hình trung mình đã được bảo vệ rồi đó, bởi những người nhận được cách cư xử tốt đẹp của mình đối với họ. Mình không có gì để phải rắc rối với người khác, mình hành xử tất cả mọi việc trong cái Tâm Lành của mình; mình An Ổn thì mình muốn người khác cũng an ổn; mình NO ĐỦ mình cũng muốn người khác được no đủ. Do đó mà mình không ngần ngại khi có người đến để cầu xin sự giúp đỡ của mình trong vấn đề cái Ăn, cái Mặc hoặc một sự khó khăn nào đó. Nếu mình giúp được thì mình giúp, miễn là đừng có vấy vô nghiệp lực của họ mà thôi. Một lời khuyên hay một sự chỉ dẫn, một sự cắt nghĩa, thậm chí chia sẻ cơm áo, thức ăn, đồ mặc, kể cả tiền tài đều có thể làm được.

Chỉnh sửa Đời Sống Tâm Linh (hay Tâm-Ý-Tánh) sẽ đem lại cho mình cái Lợi chớ không có cái Hại.

Cái Lợi trước tiên cho bản thân mình, đó là mình sống thoải mái, sống không bực dọc, không bị tiếng bấc tiếng chì, sống không có thị phi, không có lời nói vô nói ra. Một mai khi mình không còn hiện diện trên cõi Đời này nữa, những Tánh Tốt mà mình mang theo sẽ là hành trang quý giá cho Thần Thức thăng hoa của mình trong việc Cứu Độ Chúng Sanh.

Một người sở hữu nhiều Tánh Tốt thì cơ hội tạo nhiều Phước Báu cũng rất dễ dàng. Nếu chưa đủ tiêu chuẩn để về Cõi Trời hay cõi Phật thì cái xác suất trở lại làm Người Phước Đức cũng sẽ rất cao, và có duyên may gặp được Thiện Tri Thức dẫn dắt cho tu tập để Thần Thức được thăng hoa sau khi bỏ báu thân.

Tánh Tốt vô cùng quan trọng cho mỗi Con Người, nhưng muốn luyện tập hay giùi mài Tánh Tốt phải với một Thân Xác. Trong suốt thời gian 49 ngày siêu độ, Vong Linh được chỉ dạy triệt tiêu những Tánh Xấu, và học hỏi, khắc ghi những Tánh Tốt. Nhưng, để sở hữu những Tánh Tốt, Vong Linh bắt buộc phải trở lại kiếp Người và hành xử những gì mà mình đã được chỉ dạy, đã được học hỏi thì những Tánh Tốt đó sẽ mãi mãi muôn đời ở với mình, không đi đâu cả.

Mỗi Tánh Tốt là một “thỏi vàng- thỏi bạc”, càng có nhiều Tánh Tốt, gia tài của mình càng trở nên kếch xù! Mình có thể sử dụng gia tài đó bất cứ lúc nào, cho ai cũng được, bao nhiêu cũng không cần phải đắn đo hay xin phép. Khi mà đâu đâu cũng toàn là bụi cát, đá sỏi, tìm được một thỏi vàng hay thỏi bạc, quả là điều không có chút nào bình thường!!

Tất cả những điều trình bày trên đây chỉ là những nguyên tắc vô cùng là căn bản của một Đời Sống mang tên là Tâm Linh. Đời sống đó, thật sự ra, hoạt động song hành cùng Đời Sống Vật Chất, nhưng vì Chúng Sanh không thể sờ mó, tính đếm, ve vuốt….và nhất là không thể nhìn tận mắt sự hoạt động của nó, cho nên không tha thiết đến, thậm chí còn có kẻ không buồn biết rằng, trong Thân Xác của mình có sự hiện diện của Đời Sống Tâm Linh.

Ai cũng mong mỏi một cuộc đời tốt đẹp, một cuộc sống êm ả, ít lụy phiền, không có nhiều sóng gió. Tất cả những điều đó chỉ có thể có được khi một người sở hữu một Đời Sống Tâm Linh tốt đẹp.

Thế nào là một Đời Sống Tâm Linh tốt đẹp?

Đời Sống Tâm Linh tốt đẹp luôn luôn đòi hỏi một cái Tâm trong sáng, Tâm không chất chứa những phiền muộn, những điều sái quấy, những điều không tốt đẹp. Nó cũng đòi hỏi những Ý Tưởng thanh cao, biết nghĩ đến người, không hại người, không đem lại sự bất ổn cho người, và cái quan trọng nhất chính là nó đòi hỏi một người phải sở hữu nhiều Tánh Tốt để dễ cảm thông, dễ dàng chia sẻ cùng với Đồng Loại của mình, những đau khổ, những xót xa, những khó khăn trong cuộc sống. Càng có nhiều Tánh Xấu, nhiều Thói Tật không hay, cuộc sống của mình càng gặp nhiều trắc trở, lúc nào cũng đối đầu với nghịch cảnh, với những phản ứng của người chung quanh.

Một Đời Sống Tâm Linh tốt đẹp với Tâm-Ý-Tánh được chỉnh sửa, được trau giồi, sẽ giúp cho mình sống yên, sống thoải mái, ít lo âu, ít lụy phiền. Dù cho mình không giàu có, nhưng mình biết thủ phận và hài lòng với cái Có của mình. Mình không tự buộc ràng mình bằng những rào cản do ở Tâm-Ý-Tánh không tốt đẹp mang tới.

Đời Sống Tâm Linh tốt đẹp sẽ giúp cho mình cảm thấy an bình hơn, tự tin hơn, không còn những nỗi sợ hãi vu vơ, mọi suy nghĩ trở nên chín chắn hơn, tư duy sâu sắc hơn và lúc nào cũng tìm thấy môi trường sống của mình thật là thanh tịnh và thoải mái.

Thầy có thể khẳng định rằng: Đời Sống Tâm Linh vô cùng là quan trọng!! Vì Chúng Sanh không biết triển khai nó, vun bồi nó, cho nên không hưởng được những điều tốt đẹp do Đời Sống Tâm Linh mang tới. Niềm An Lạc – Sự Thoải Mái – Một Thọ Mạng lâu dài – Một Thần Thức thăng hoa… tất cả đều xuất phát từ ở Đời Sống Tâm Linh.

Tuy nhiên, muốn hưởng được những điều tốt đẹp, Chúng Sanh bắt buộc phải chăm sóc thường xuyên cái mảnh vườn Tâm Linh đó. Nói một cách rõ ràng hơn, đó chính là cái mảnh vườn Tâm mà Đất ở trong mảnh vườn đó phải luôn được vun xới, vô phân, tưới nước, để sẵn sàng gieo những hạt giống Tốt, từ đó Nhân Hạt sẽ nảy mầm cho ra Hoa Quả, Trái Cây ngon ngọt nuôi sống cái thể chất của Thân Xác. Thiếu sự vun bón, thiếu nước, thiếu phân, đất trở nên khô cằn, nứt nẻ, cây trái làm sao mọc và phát triển được? Điều đó sẽ khiến cho Thân Xác không được khỏe mạnh, nay khỏe mai đau, bệnh này chữa chưa xong, bệnh kia lại ập tới, nhiều tốn kém, nhiều lụy phiền.

Khoa học càng tiến triển, con người càng chạy đua nhau để phát minh những loại thuốc cải lão hoàn đồng, kéo dài tuổi thọ. Chúng Sanh quên rằng, Tinh – Khí – Thần của một Con Người hội tụ ở phần Tâm Linh và ảnh hưởng rất nhiều đến cái Thân Xác. Do đó không thể bỏ qua phần Đời Sống Tâm Linh mà chỉ lo chắt chiu cái Đời Sống Vật Chất thôi.

Chúng Sanh khôn ngoan đừng tìm cầu cái gì xa xôi, phức tạp, ngoài tầm với của Chúng Sanh, chỉ làm mất thì giờ và phí đi công sức. Còn hiện diện nơi cõi Ta Bà, Chúng Sanh hãy quyết tâm giùi mài, vun bồi cái Đời Sống Tâm Linh của mình qua việc chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh, nhờ đó mà Đời Sống Tâm Linh trở nên tốt đẹp, đồng thời cũng giúp cho Thần Thức thăng hoa, thoát vòng Sanh Tử Luân Hồi. Một sự ung dung tự tại, không còn phải vướng bận vào vấn đề Sanh Tử nữa, nơi cõi Cực Lạc, Thần Thức sẽ được hướng dẫn để học hỏi, để tôi luyện, để chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh sao cho trở nên "thuần khiết" để mới có thể tiến đến Quả Vị Bồ Tát, Quả Vị Phật được.

Vì Chúng Sanh nghĩ sai cho nên xem Đời Sống Tâm Linh như là một cái gì có vẽ khuất tất, có vẽ bí mật, không thực tế, hoang đường, mờ mờ ảo ảo. Đầu óc của Chúng Sanh quá nhiều mê tín dị đoan, trí tưởng tượng vô cùng phong phú, vẽ vời nhiều chuyện thật là quái dị, quái đản và không tưởng. Chúng Sanh cho rằng việc chăm chút Đời Sống Tâm Linh sẽ làm cho mình trở nên bất bình thường, phiêu phiêu phưởng phưởng không khác gì những Vong Linh. Đây là một lối suy nghĩ vô cùng là sai lầm và lệch lạc!

Thật sự ra, không có Đời Sống Tâm Linh sẽ khó lòng có được một Đời Sống Vật Chất đúng nghĩa. Cả 2 Đời Sống Vật Chất và Tâm Linh cùng hổ tương cho nhau. Đời Sống Tâm Linh tốt đẹp sẽ đưa đến một Đời Sống Vật Chất đầy đủ, ấm no. Ngược lại, một Đời Sống Vật Chất nặng trĩu những khó khăn, đầy ắp những cảnh huống đau lòng, nói lên rằng, Đời Sống Tâm Linh không được tốt đẹp lắm.

Vì vậy mà khi cảm thấy rằng mình thường xuyên gặp chuyện không Lành, cuộc sống không được suông sẻ, nhiều gút mắt, phải tức khắc quay về với Đời Sống Tâm Linh để mà lắng đọng tâm tư mình, để xem coi mình đã gieo trồng hạt giống nào? khiến cho ngày giờ này, Quả Trái thu nhặt được không ngon ngọt như mình mong đợi. Do đó mà muốn chỉnh sửa cái Đời Sống Vật Chất có quá nhiều trắc trở, chông gai, bắt buộc phải chỉnh sửa Đời Sống Tâm Linh của mình.

Đời Sống Tâm Linh dính chặt với cái Linh Hồn. Chúng Sanh lìa cõi Ta Bà, ra đi mang theo Đời Sống Tâm Linh chớ không có mang bất cứ một vật nào của Đời Sống Vật Chất cả. Còn khỏe mạnh, còn sức lực, hãy ráng mà vun bồi cái mảnh đất Tâm của mình cho luôn được phì nhiêu, đừng đợi đến khi chân mỏi gối chùn, có muốn đào xới cái gì cũng không làm nổi đâu. Nhắm mắt, hắt hơi, hai tay buông thõng, chỉ còn kịp đem theo mình cái mảnh đất khô cằn, nứt nẻ, toàn là gieo những hạt lép, hạt hư, để rồi Kiếp Vị Lai sẽ đón nhận toàn là Quả Chua, Quả Đắng, Quả Cay Nồng.

Cõi Ta Bà là một ngôi trường bao la rộng lớn, có biết bao nhiêu điều để học hỏi. Hãy sống tích cực lên, hãy biết lựa chọn những điều cần phải học, học những gì bổ ích cho cuộc Đời của mình ở Hiện Kiếp lẫn Vị Lai. Thời gian cứ lặng lẽ trôi, không chờ đợi ai. Tuổi Già cũng cứ âm thầm tiến, không kèn, không trống, không ồn ào, cho đến khi cả 2 bắt kịp nhau thì đã thấy cái nấm Mồ đang đào lỗ sẵn.

Hãy ráng lo tu tập, đừng uổng phí Thời Gian!!


+ 25